Các trường hợp được và không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào năm 2023
03:08:00 08/08/2023
Để được khấu trừ thuế GTGT của hàng hóa dịch vụ mua vào thì phái thỏa mãn những nguyên tắc và điều kiện nhất định theo quy định của luật thuế GTGT tại điều 14, 15 của Thông tư số 219/2013/TT-BTC và được sửa đổi bởi Thông tư 26/2015/TT-BTC.
Sau đây, Kế toán Hà Thành sẽ liệt kê cho các bạn các trường hợp được và không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào theo từng tiêu chí cụ thể:
1. Về phương pháp kê khai thuế GTGT:
- Nếu doanh nghiệp kê khai tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ: thì dược xét khấu trừ thuế GTGT đầu vào.
- Nếu doanh nghiệp kê khai tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp: thì không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào. (Số thuế GTGT đầu vào (nếu có) sẽ được hạch toán vào giá trị của hàng mua để tính vào chi phí).
2. Về đối tượng chịu thuế của đầu ra:
- Nếu doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng chịu thuế 0%, 5%, 10% hoặc các mặt hàng không phải kê khai nộp thuế: thì được xét khấu trừ thuế GTGT đầu vào.
- Nếu doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng không chịu thuế thì: Số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT thì không được khấu trừ.
- Nếu doanh nghiệp vừa kinh doanh mặt hàng chịu thuế và không chịu thuế mà có thuế GTGT đầu vào dùng chung cho cả 2 hoạt động chịu thuế và không chịu thuế thì chỉ được khấu trừ số thuế GTGT đầu vào của hành hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT . Cơ sở kinh doanh phải hạch toán riêng thuế GTGT đầu vào được khấu trừ tính theo tỷ lệ (%) giữa doanh thu chịu thuế GTGT, doanh thu không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT so với tổng doanh thu của hàng hóa, dịch vụ bán ra bao gồm cả doanh thu không phải kê khai, tính nộp thuế không hạch toán riêng được.
Cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế và không chịu thuế GTGT hàng tháng/quý tạm phân bổ số thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ, tài sản cố định mua vào được khấu trừ trong tháng/quý, cuối năm cơ sở kinh doanh thực hiện tính phân bổ số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ của năm để kê khai điều chỉnh thuế GTGT đầu vào đã tạm phân bổ khấu trừ theo tháng/quý.
Công thức phân bổ:
Thuế GTGT đầu vào được khấu trừ = Thuế GTGT đầu vào dùng chung/ Tổng doanh thu (DT chịu thuế + DT không chịu thuế) x Doanh thu chịu thuế.
3. Về hóa đơn chứng từ:
- Được khấu trừ thuế GTGT đầu vào nếu:
+ Có hóa đơn GTGT hợp pháp của hàng hóa, dịch vụ mua vào
+ Có chứng từ nộp thuế GTGT khâu nhập khẩu
+ Có chứng từ nộp thuế GTGT thay cho phía nước ngoài.
→ Đây là các chứng từ làm căn cứ để kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào.
- Không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào nếu:
+ Hóa đơn GTGT sử dụng không đúng quy định của pháp luật như: Hóa đơn GTGT không ghi thuế GTGT (trừ trường hợp đặc thù được dùng hóa đơn GTGT ghi giá thanh toán là giá đã có thuế GTGT);
+ Hóa đơn không ghi hoặc ghi không đúng một trong các chỉ tiêu như tên, địa chỉ, mã số thuế của người bán nên không xác định được người bán;
+ Hóa đơn không ghi hoặc ghi không đúng một trong các chỉ tiêu như tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua nên không xác định được người mua;
+ Hóa đơn, chứng từ nộp thuế GTGT giả, hóa đơn bị tẩy xóa, hóa đơn khống (không có hàng hóa, dịch vụ kèm theo);
+ Hóa đơn ghi giá trị không đúng giá trị thực tế của hàng hóa, dịch vụ mua, bán hoặc trao đổi.
- Trường hợp cơ sở kinh doanh phát hiện hóa đơn kê khai khấu trừ bị bỏ sót chưa kê khai thì được kê khai khấu trừ bổ sung vào kỳ kê khai gần nhất của thời điểm phát hiện sai sót, nhưng phải trước khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế.
4. Về thanh toán:
- Đối với các hóa đơn có tổng thanh toán (giá đã có thuế) từ 20 triệu đồng trở lên: Phải thanh toán không dùng tiền mặt (Các hình thức được gọi là thanh toán không dùng tiền mặt như: Chuyển khoản, bù trừ công nợ, hàng đổi hàng, ủy quyền cho bên thứ 3 chuyển khoản);
- Nếu thanh toán bằng tiền mặt đối với các hóa đơn có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên sẽ không được khấu trừ (Bao gồm cả trường hợp mang tiền mặt ra ngân hàng để gửi chuyển cho nhà cung cấp);
- Mua hàng hóa dịch vụ mà chưa thanh toán tiền ngay, hoặc thanh toán tiền làm nhiều lần vẫn được kê khai khấu trừ ngay tại thời điểm có hóa đơn GTGT đầu vào. Nhưng đến khi thanh toán mà thực hiện thanh toán bằng tiền mặt đối với các hóa đơn từ 20 triệu đồng trở lên thì không được khấu trừ nữa, phải kê khai điều chỉnh giảm số thuế GTGT đã khấu trừ vào kỳ thực hiện thanh toán.
- Trường hợp mua hàng hóa, dịch vụ của một nhà cung cấp có giá trị dưới 20 triệu đồng nhưng mua nhiều lần trong cùng một ngày có tổng giá trị từ 20 triệu đồng trở lên thì chỉ được khấu trừ thuế đối với trường hợp có chứng từ thanh toán qua ngân hàng.
5. Một vài các trường hợp cụ thể về khấu trừ thuế GTGT đầu vào:
* Các khoản chi có tính chất phúc lợi:
- Như nghỉ mát, đi lại ngày lễ tết, hiếu hỷ …
- Được khấu trừ thuế GTGT đầu vào nếu đáp ứng được các điều kiện về hóa đơn và chứng từ thanh toán.
* Đối với xe ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống có trị giá vượt trên 1,6 tỷ đồng:
- Nếu ô tô sử dụng vào kinh doanh vận chuyển hàng hóa, hành khách, kinh doanh du lịch, khách sạn; ô tô dùng để làm mẫu và lái thử cho kinh doanh ô tô: thì được khấu trừ tất số thuế GTGT đầu vào;
- Nếu không sử dụng vào các mục đích nêu trên (ví dụ như dùng để đưa đón giám đốc, cán bộ nhân viên …) thì số thuế GTGT đầu vào tương ứng với phần trị giá vượt trên 1,6 tỷ đồng không được khấu trừ.
* Cho, biếu, tặng, khuyến mại, quảng cáo:
Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa (kể cả hàng hóa mua ngoài hoặc hàng hóa do doanh nghiệp tự sản xuất) mà doanh nghiệp sử dụng để cho, biếu, tặng, khuyến mại, quảng cáo dưới các hình thức, phục vụ cho sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT thì được khấu trừ.
* Đối với hóa đơn tiền điện, tiền nước mang tên chủ nhà:
Nếu doanh nghiệp đi thuê nhà mà phải trả các khoản chi phí tiền điện, tiền nước nhưng các hóa đơn tiền điện, tiền nước mang lại tên chủ nhà (cá nhân) thì không được khấu trừ thuế GTGT đối với khoản thuế đầu vào này mà hạch toán tất vào chi phí.
* Các chi phí hóa đơn phát sinh trước khi thành lập doanh nghiệp:
Trước khi thành lập doanh nghiệp, các sáng lập viên có văn bản ủy quyền cho tổ chức, cá nhân thực hiện chi hộ một số khoản chi phí liên quan đến việc thành lập doanh nghiệp, mua sắm hàng hóa, vật tư thì doanh nghiệp được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào theo hóa đơn GTGT đứng tên tổ chức, cá nhân được ủy quyền và phải thực hiện thanh toán cho tổ chức, cá nhân được ủy quyền qua ngân hàng đối với những hóa đơn có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên.
* Cá nhân, tổ chức không kinh doanh có góp vốn bằng tài sản vào công ty:
Trường hợp cá nhân, tổ chức không kinh doanh có góp vốn bằng tài sản vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần thì chứng từ đối với tài sản góp vốn là biên bản chứng nhận góp vốn, biên bản giao nhận tài sản. Trường hợp tài sản góp vốn là tài sản mới mua, chưa sử dụng, có hóa đơn hợp pháp được hội đồng giao nhận vốn góp chấp nhận thì trị giá vốn góp được xác định theo trị giá ghi trên hóa đơn bao gồm cả thuế GTGT; Bên nhận vốn góp được kê khai khấu trừ thuế GTGT ghi trên hóa đơn mua tài sản của bên góp vốn.
6. Xử lý số thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ:
Số thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ, cơ sở kinh doanh được hạch toán vào chi phí để tính thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc tính vào nguyên giá của tài sản cố định, trừ số thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ mua vào từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt. (Theo khoản 9 điều 14 của Thông tư 219/2013/TT-BTC).