Hướng dẫn tính thuế TNCN năm 2023 mới nhất; Cách tính thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công

03:08:00 08/08/2023

Căn cứ theo Thông tư 111/2013/TT-BTC, Thông tư 92/2015/TT-BTC, Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14, Công văn 2546/TCT-DNNCN, Nghị định 126/2020/NĐ-CP, Thông tư 80/2021/TT-BTC mới nhất hiện hành:

Lưu ý 1: Bài viết này Kế toán Hà Thành hướng dẫn tính thuế TNCN từ tiền lương, tiền công của người lao động nhé.

Lưu ý 2: Các bạn phải xác định được người lao động là cá nhân cư trú hay Không cư trú (rất quan trọng)

- Nếu là cá nhân cư trú -> Tính thuế TNCN theo 2 trường hợp bên dưới (Lưu ý 3)

- Nếu là cá nhân không cư trú -> Thuế TNCN phải nộp = Thu nhập chịu thuế x 20%.

Lưu ý 3:  Xác định được loại hợp đồng lao động: Hợp đồng lao động dài hạn (từ 3 tháng trở lên) hay là các loại hợp đồng khác (như: hợp đồng lao động dưới 3 tháng, thời vụ, cộng tác viên, khoản việc, thử việc, dịch vụ cá nhân…)

- Nếu là hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên (dài hạn) -> Tính thuế TNCN theo biểu lũy tiến từng phần.

- Nếu là các loại hợp đồng khác (như: hợp đồng lao động dưới 3 tháng, thời vụ, cộng tác viên, khoản việc, thử việc, dịch vụ cá nhân…) -> Tính thuế TNCN theo biểu toàn phần.

A. Cách tính thuế TNCN đối với lao động cư trú, ký hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên (dài hạn):

- Căn cứ để tính thuế TNCN đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công là: Thu nhập tính thuế và thuế suất.

- Thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công là tổng số thuế tính theo từng bậc thu nhập. Số thuế tính theo từng bậc thu nhập = Thu nhập tính thuế của bậc thu nhập nhân (x) với thuế suất tương ứng của bậc thu nhập đó. (hay còn gọi là tính theo biểu lũy tiến từng phần)

- Các trường hợp tính thuế TNCN theo biểu lũy tiến từng phần gồm: Hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên (kể cả trường hợp kí hợp đồng từ 3 tháng trở lên tại nhiều nơi, những cá nhân ký hợp đồng từ 3 tháng trở lên nhưng nghỉ việc trước khi kết thúc hợp đồng lao động)

- Thời điểm tính thuế TNCN là thời điểm chi trả.

Ví dụ: Trả lương tháng 12/2022 vào ngày 5/1/2023 => Thì tính thuế TNCN vào tháng 1/2/2023 và Quyết toán thuế TNCN năm 2023.

Công thức tính thuế thu nhập cá nhân phải nộp:

Thuế TNCN phải nộp

=

Thu nhập tính thuế

X

Thuế suất

I. Thu nhập tính thuế được xác định như sau:

Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế  -   Các khoản giảm trừ

1. Thu nhập chịu thuế được xác định như sau:

    Thu nhập chịu thuế=   Tổng thu nhập  - Các khoản được miễn thuế

1.1. Tổng thu nhập được xác định như sau:

- Là tổng các khoản thu nhập bao gồm: Tiền lương, tiền công, tiền thù lao và các khoản thu nhập khác có tính chất tiền lương, tiền công mà người nộp thuế nhân được trong ký (bao gồm cả các khoản phụ cấp, trợ cấp…)

1.2. Các khoản được miễn thuế (Các khoản không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN):

a) Tiền ăn giữa ca, ăn trưa:

“Khoản tiền ăn giữa ca, ăn trưa do người sử dụng lao động tổ chức bữa ăn giữa, ăn trưa, ca cho người lao động dưới các hình thức như trực tiếp nấu ăn, mua suất ăn, cấp phiếu ăn.

- Trường hợp người sử dụng lao động không tổ chức bữa ăn giữa ca, ăn trưa mà chi tiền cho người lao động thì không tính vào thu nhập chịu thuế của cá nhân nếu mức chi phù hợp với hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Trường hợp mức chi cao hơn mức hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì phần chi vượt mức phải tính vào thu nhập chịu thuế của cá nhân.”

Nghĩa là:

-  Nếu Doanh nghiệp tổ chức bữa ăn giữa, ăn trưa, ca cho người lao động dưới các hình thức như trực tiếp nấu ăn, mua suất ăn, cấp phiếu ăn -> Không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN.

- Nếu DN chi tiền cho người lao động: -> thì không tính vào thu nhập chịu thuế mức chi phù hợp với quy định của Bộ LĐTBXH (nếu chi vượt mức thì tính vào thu nhập chịu thuế)

-> Hiện tại quy định là: Không vượt quá 730.000đ/tháng

Ví dụ 1: Công ty Kế toán Hà Thành chi tiền phụ cấp tiền ăn trưa cho nhân viên A là 750.000đ/tháng.

 - Thì nhân viên A được miễn tối đa là = 730.000đ/tháng: Phần còn lại: (750.000đ - 730.000đ = 20.000 đồng sẽ tính vào thu nhập chịu thuế TNCN của nhân viên A).

Ví dụ 2: Công ty chi phụ cấp ăn ca cho nhân viên B là 550.000đ/tháng thì được miễn toàn bộ = 550.000 đồng.

b) Mức khoán chi văn phòng phẩm, công tác phí, điện thoại, trang phục:

“Phần khoán chi văn phòng phẩm, công tác phí, điện thoại, trang phục,… cao hơn mức quy định hiện hành của Nhà nước. Mức khoán chi không tính vào thu nhập chịu thuế đối với một số trường hợp như sau:

Đối với người lao động làm việc trong các tổ chức kinh doanh, các văn phòng đại diện: mức khoán chi áp dụng phù hợp với mức xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo các văn bản hướng dẫn thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.

Đối với người lao động làm việc trong các tổ chức quốc tế, các văn phòng đại diện của tổ chức nước ngoài: mức khoán chi thực hiện theo quy định của Tổ chức quốc tế, văn phòng đại diện của tổ chức nước ngoài.”

Nghĩa là:

- Người lao động làm việc trong các Doanh nhiệp thì mức khoán chi áp dụng theo Luật thuế TNDN.

  • Hiện tại thì Luật thuế TNDN quy định cụ thể như sau:

+) Tiền trang phục:

“Phần chi trang phục bằng hiện vật cho người lao động không có hóa đơn, chứng từ. Phần chi trang phục bằng tiền cho người lao động vượt qua 05 (năm) triệu đồng/người/năm.

 Trường hợp doanh nghiệp có chi trang phục cả bằng tiền và hiện vật cho người lao động để được tính vào chi phí được trừ thì mức chi tối đa đối với chi bằng tiền không vượt quá 05 (năm) triệu đồng/người/năm, bằng hiện vật phải có hóa đơn, chứng từ.”

Nghĩa là:

- Nếu DN chi bằng tiền thì không vượt quá 5.000.000đ/năm. (nếu vượt thì tính vào thu nhập chịu thuế TNCN)

- Nếu DN chi bằng hiện vật (mua quần áo về phát cho nhân viên ….) thì không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN.

- Nếu chi bằng cả hiện vật và Tiền: Thì cũng áp dụng như trên (Phần chi bằng tiền không quá 5trđ/năm, phần chi bằng hiện vật được miễn thuế TNCN).

Ví dụ: Công ty Kế toán Hà Thành chi tiền phụ cấp trang phục cho nhân viên A là 4.500.000đ/năm/người thì sẽ không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN toàn bộ.

- Nếu chỉ 5.000.000đ/năm/người thì được miễn 5.000.000đ/năm/người, còn (5.500.000đ - 5.000.000đ = 500.000 đồng sẽ tính vào thu nhập chịu thuế TNCN).

- Nếu công ty chi bằng hiện vật (Mua quần áo…. về cho nhân viên) thì sẽ không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN của nhân viên.

+) Tiền điện thoại, Công tác phí:

- Hiện tại trong văn bản về luật thuế TNDN chưa có quy định mức chi cụ thể: -> Chỉ quy định phải ghi rõ Điều kiện hưởng và Mức hưởng tại 1 trong các hồ sơ như: Hợp đồng lao động, quy chế lương lưởng …( Nếu chi cao hơn mức quy định trong đó sẽ chịu thuế TNCN).

c) Tiền thuê nhà trả thay không vượt quá 15% tổng thu nhập chịu thuế (chưa bao gồm thuê nhà, điện nước và dịch vụ kèm theo):

“Khoản tiền thuê nhà, điện nước và các dịch vụ kèm theo (nếu có) đối với nhà ở do đơn vị sử dụng lao động trả hộ tính vào thu nhập chịu thuế theo số thực tế trả hộ nhưng không vượt quá 15% tổng thu nhập chịu thuế phát sinh (chưa bao gồm tiền thuê nhà, điện nước và dịch vụ kèm theo (nếu có) tại đơn vị không phân biệt nơi trả thu nhập.

- Các khoản phụ cấp, trợ cấp không tính vào thu nhập chịu thuế được tổng hợp tại Danh mục tổng hợp các khoản phụ cấp, trợ cấp do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành làm cơ sở xác định thu nhập chịu thuế TNCN từ tiền lương, tiền công, ban hành tại công văn số 1383/TCT-TNCN ngày 24/4/2014 của Tổng cực Thuế.”

Ví dụ: Nhân viên A có tổng thu nhập chịu thuế là 10.000.000 đồng (chưa bao gồm tiền thuê nhà) và công ty hỗ trợ trả thay tiền thuê nhà 5.000.000đ/tháng.

-> 15% Tổng thu nhập chịu thuế: = 15% x 10.000.000đ = 1.500.000 đồng

=> Như vậy sẽ tính vào thu nhập chịu thuế tối đa là: = 1.500.000 đồng

- Số còn lại = 5.000.000đ - 1.500.000đ = 3.500.000 đồng (Không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN)

d) Tiền làm thêm giờ vào ngày nghỉ, lễ, làm việc ban đêm được trả cao hơn:

“Thu nhập từ phần tiền lương, tiền công làm việc ban đêm, làm thêm giờ được trả cao hơn so với tiền lương tiền công làm việc ban ngày, làm việc trong giờ theo quy định của Bộ luật Lao động. Cụ thể như sau:

Phần tiền lương, tiền công trả cao hơn do phải làm việc ban đêm, làm thêm giờ được miễn thuế căn cứ vào tiền lương, tiền công thực trả do phải làm đêm, thêm giờ trừ (-) đi mức tiền lương , tiền công tính theo ngày làm việc bình thường.

Ví dụ:  Ông A có mức lương trả theo ngày làm việc bình thường theo quy định của Bộ Luật Lao động là 40.000 đồng/giờ.

- Trường hợp ông A làm thêm giờ vào ngày thường, được trả 60.000 đồng/giờ thì thu nhập được miễn thuế là:

= 60.000 đồng/giờ - 40.000 đồng/giờ = 20.000 đồng/giờ

- Trường hợp ông A làm thêm giờ vào ngày nghỉ hoặc ngày lễ, được trả 80.000 đồng/giờ thì thu nhập được miễn thuế là:

= 80.000 đồng/giờ - 40.000 đồng/giờ = 40.000 đồng/giờ

- Doanh nghiệp trả thu nhập phải lập bảng kê phản ánh rõ thời gian làm đêm, làm thêm giờ, khoản tiền lương trả thêm do làm đêm, làm thêm giờ đã trả cho người lao động. Bảng kê này được lưu tại đơn vị trả thu nhập và xuất trình khi có yêu cầu của cơ quan thuế.

e) Khoản tiền đám hiếu, hỉ:

“Khoản tiền nhận được do tổ chức, cá nhân trả thu nhập chi đám hiếu, hỉ cho bản thân gia đình người lao động theo quy định chung của tổ chức, cá nhân trả thu nhập và phù hợp với mức xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo các văn bản hướng dẫn thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp”.

-> Theo Luật thuế TNDN quy định thì: Tổng số chi có tính chất phúc lợi nêu trên không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp.

Chú ý: Tất cả các khoản phụ cấp nêu trên phải được quy định rõ: ĐIỀU KIỆN HƯỞNG VÀ MỨC HƯỞNG trong quy chế của công ty hoặc hợp đồng lao động nhé.

f) Tiền mua bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tử kỳ…

Khoản tiền do người sử dụng lao động mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm không bắt buộc khác có tích lũy về phí bảo hiểm: mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện hoặc đóng góp Qũy hưu trí tự nguyện cho người lao động. -> Phải chịu thuế TNCN.

- Trường hợp người sử dụng lao động mua cho người lao động sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc và không có tích lũy về phí bảo hiểm (kể cả trường hợp mua bảo hiểm của các doanh nghiệp bảo hiểm không thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam được phép bán bảo hiểm tại Việt Nam) thì khoản tiền phí mua sản phẩm bảo hiểm này không tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân của người lao động.

Bảo hiểm không bắt buộc và không có tích lũy về phí bảo hiểm gồm các sản phẩm bảo hiểm như: bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tử kỳ (không bao gồm sản phẩm bảo hiểm tử kỳ có hoàn phí),... mà người tham gia bảo hiểm không nhận được tiền phí tích lũy từ việc tham gia bảo hiểm, ngoài khoản tiền bảo hiểm hoặc bồi thường theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm do doanh nghiệp bảo hiểm trả.

g) Tiền mua vé máy bay khứ hồi cho người nước ngoài về nước 1 lần/1 năm:

“Khoản tiền mua vé máy khứ hồi do người sử dụng lao động trả hộ (hoặc thanh toán) cho người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, người lao động là người Việt Nam làm việc ở nước ngoài về phép mỗi năm một lần.

Căn cứ xác định khoản tiền mua vé máy bay là hợp đồng lao động và khoản tiền thanh toán vé máy bay từ Việt Nam đến quốc gia người nước ngoài mang quốc tịch hoặc quốc gia nơi gia đình người nước ngoài sinh sống và ngược lại; khoản tiền thanh toan vé máy bay từ quốc gia nơi người Việt Nam đang làm việc về Việt Namm và ngược lại.”

h) Một số khoản tiền miễn thuế khác như:

- Khoản phí hội viên (như thẻ hội viên sân gôn, sân quần vợt, thẻ sinh hoạt câu lạc bộ văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao…) -> Nếu thẻ được sử dụng chung, không ghi tên cá nhân hoặc nhóm cá nhân sử dụng thì không tính vào thu nhập chịu thuế.

- Khoản chi dịch vụ khác phục vụ cho cá nhân trong hoạt động chăm sóc sức khỏe, vui chơi, giải trí thẩm mỹ… -> Nếu nội dung chi trả phí dịch vụ không ghi tên cá nhân được hưởng mà chi chung cho tập thể người lao động thì không tính vào thu nhập chịu thuế.

- Đối với khoản chi trả hộ tiền đào tạo nâng cấp trình độ, tay nghề cho người lao động phù hợp với công việc chuyên môn, nghiệp vụ của người lao động hoặc theo kế hoạch của đơn vị sử dụng lao động thì không tính vào thu nhập của người lao động.

- Khoản hỗ trợ của người lao động cho việc khám chữa bệnh hiểm nghèo cho bản thân người lao động và thân nhân của người lao động.

2. Các khoản giảm trừ bao gồm:

a. Giảm trừ gia cảnh:

- Đối với người nộp thuế là là 11 triệu đồng/tháng, 132 triệu đồng/năm.

- Đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng. (Phải đăng ký và được cấp MST người phụ thuộc giảm trừ gia cảnh).

b. Các khoản bảo hiểm bắt buộc:

- Năm 2023 tỷ lệ trích các khoản BH vào lương của người lao động như sau:

         BHXH (8%)

         BHYT (1,5%)

         BNTN (1%)                                                                 

c. Các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học.

- Như đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học…

- > Tài liệu để chứng minh đóng góp chứng từ thu hợp pháp của tổ chức, cơ sở          được thành lập hợp pháp.

II. Thuế suất thuế TNCN:

Thuế suất thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công được áp dụng theo Biểu thuế lũy tiến từng phần, cụ thuể như sau:

Bậc thuế

Phần thu nhập tính thuế /năm

(triệu đồng)

Phần thu nhập tính thuế/tháng(triệu đồng)

Thuế suất

(%)

1

Đến 60

Đến 5

5

2

Trên 60 đến 120

Trên 5 đến 10

10

3

Trên 120 đến 216

Trên 10 đến 18

15

4

Trên 216 đến 384

Trên 18 đến 32

20

5

Trên 384 đến 624

Trên 32 đến 52

25

6

Trên 624 đến 960

Trên 52 đến 80

30

7

Trên 960

Trên 80

35

 

- Cách tính thuế TNCN là tổng số thuế tính theo từng bậc thu nhập. Số thuế tính theo từng bậc thu nhập = thu nhập tính thuế của bậc thu nhập (x) với thuế suất tương ứng của bậc thu nhập đó.

→ Để thuận tiện cho việc tính toán, có thế áp dụng phương pháp rút gọn theo phụ lục số 01/PL-TNCN ban hành kèm theo Thông tư 111/2013/TT-BTC như sau:

Bậc

Thu nhập tính

thuế/ tháng

Thuế suất

Tính số thuế phải nộp

Cách 1

Cách 2

1

Đến 5 triệu đồng (trđ)

5%

0trđ + 5% TNTT

5% TNTT

2

Trên 5 trđ đến 10 trđ

10%

0,25 trđ + 10% TNTT

trên 5 trđ

15% TNTT- 0,25 trđ

3

Trên 10trđ đến 18 trđ

15%

0,75 trđ+ 15%TNTT trên 10 trđ

15% TNTT - 0,75 trđ

4

Trên 18 trđ đến 32 trđ

20%

1,95 trđ + 20% TNTT trên 18 trđ

20% TNTT - 3,25 trđ

5

Trên 32 trđ đến 52  trđ

25%

4,75 trđ + 25% TNTT trên 32 trđ

25% TNTT - 3,25 trđ

6

Trên 52 trđ dến 80 trđ

30%

9,75 trđ + 30% TNTT trên 52 trđ

30% TNTT - 5,85 trđ

7

Trên 80 trđ

35%

18,15 trđ + 35% TNTT trên 80 tr

35% TNTT - 9,85 trđ

Sau đây Công Ty kế toán Hà Thành xin lấy 1 ví dụ để các bạn hình dung rõ về cách tính thuế TNCN:

Ví dụ: Ông Mạnh làm việc tại Công ty kế toán Hà Thành (Hợp đồng lao động dài hạn). Tháng 1/2023 ông được nhận các khoản thu nhập như sau:

  • Lương chính theo tháng: 19.000.000 đồng
  • Tiền phụ cấp ăn trưa: 600.000 đồng
  • Tiền thưởng lương tháng 13 năm 2022: 6.000.000 đồng
  • Tiền phụ cấp xăng xe: 1.000.000 đồng
  • Các khoản BH phải nộp: 19.000.000đ x (8% + 1,5% + 1%) = 1.995.000 đồng
  • Đăng ký người phụ thuộc 1 người con.

Cách tính thuế TNCN phải nộp tháng 1/2023 của Ông Mạnh như sau:

  1. Tính thu nhập chịu thuế của Ông Mạnh:

Thu nhập chịu thuế = Tổng thu nhập - Các khoản được miễn thuế:

  • Tổng thu nhập= 19.000.000đ + 600.000đ + 6.000.000đ + 1.000.000đ = 26.600.000 đồng
  • Các khoản được miễn thuế = (Phụ cấp ăn trưa) = 600.000 đồng
  • Tính thu nhập chịu thuế = 26.600.000đ - 600.000đ = 26.000.000 đồng
  1. Tính các khoản giảm trừ của Ông Mạnh:
  • Bản thân = 11.000.000 đồng
  • 1 người phụ thuộc = 4.400.000 đồng
  • Các khỏan bảo hiểm = 1.995.000 đồng
  • Tổng các khoản giảm trừ =11.000.000đ + 4.400.000đ +1.995.000đ = 17.395.000 đồng
  1. Thu nhập tính thuế của Ông Mạnh:

Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế - Các khoản giảm trừ

= 26.000.000đ - 17.395.000đ = 8.605.000 đồng

     Như vậy: Thu nhập của ông Mạnh là thuộc Bậc 2: “Trên 5 trđ đến 10 trđ”

          Sau khi đã xác minh thu nhập tính thuế của Ông Mạnh thì các bạn sẽ tính số thuế TNCN mà ông Mạnh phải nộp cụ thuể như sau:

  1. Tính thuế TNCN phải nộp của Ông Mạnh (Có 2 cách):

Cách 1: Tính theo cách phổ thông:

- Tính theo từng bậc của Biểu thuế lũy tiến từng phần: (Các bạn nhìn vào Bảng thuế suất Phụ lục 01/PL- TNCN bên trên -> nhìn sang cột “Cách 1”)

- Thu nhập tính thuế của ông Mạnh là: 8.605.000 đồng như vậy có 2 bậc như sau:

Bậc 1: Thu nhập tính thuế: (đến 5 triệu đồng) x thuế suất 5%

                                    = 5.000.000đ x 5% = 250.000 đồng

Bậc 2: Thu nhập tính thuế: (trên 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng) x thuế suất 10%

                                = (8.605.000đ - 5.000.000đ) x 10% = 360.500 đồng

  • Số thuế TNCN của Ông Mạnh phải nộp trong tháng 1/2023 là:

= 250.000đ + 360.500đ = 610.000 đồng

Cách 2: Tính theo phương pháp rút gọn (nên làm theo cách này):

- Ta có: Thu nhập tính thuế của Ông Mạnh là 8.605.000 đồng : -> Các bạn nhìn vào (Bậc 2 và Cột “Cách 2”) trên bảng Phụ lục 01/PL-TNCN bên trên các bạn sẽ thấy:  Thuộc bậc 2 (Trên 5trđ đến 10 trđ )

- Theo công thức ở (Cột “Cách 2”) ta sẽ có:

Số thuế TNCN phải nộp = 10% TNTT - 0,25 trđ

                                      = (10% x Thu nhập tính thuế) - 250.000 đồng

                                    = (10% x 8.605.000đ) - 250.000đ =  610.500 đồng

Chú ý: Khi kê khai thuế TNCN theo quý hoặc tháng:

- Nếu DN bạn thuộc đối tượng kê khai thuế GTGT theo quý thì được lựa chọn kê khai TNCN theo quý. Còn không sẽ phải kê khai thuế TNCN theo tháng (vì thuế TNCN là loại thuế kê khai theo tháng).

- Nếu DN bạn kê khai thuế TNCN theo tháng thì các bạn Tính từng tháng như ví dụ trên rồi kê khai vào Tờ khai.

- Nếu DN bạn kê khai thuế TNCN theo quý và toàn bộ người lao động đều thuộc, diện khấu trừ thuế theo biểu lũy tiến thì số thuế TNCN và quý được xác định bằng tổng số thuế TNCN đã khấu trừ theo biểu lũy tiến của từng tháng cộng lại.

Ví dụ: Tiếp theo ví dụ ông Mạnh nêu trên:

  • Tháng 1 ông phải nộp 610.500 đồng;
  • Tháng 2 ông phải nộp 500.000 đồng;
  • Tháng 3 ông phải nộp 500.000 đồng;
  • Khi kê khai thuế TNCN quý I/2023, số tiền thuế ông Mạnh phải nộp

= 610.500đ + 500.000đ + 500.000đ = 1.610.500 đồng

Lưu ý:

-> Khi kê khai hàng Qúy: Các bạn phải cộng tổng số tiền thuế TNCN từng tháng lại để kê khai theo quý (Không được chia bình quân ra các tháng để tính).

- Nhưng đến cuối năm khi Quyết toán thì phải cộng Tổng lại rồi chia 12 tháng để tính bình quân, cụ thể như sau:

Thu nhập tính thuế bình quân

=

Tổng thu nhập chịu thuế

-

Tổng các khoản giảm trừ

12 tháng

Tiền trợ cấp thôi việc có tính thuế TNCN không?

Trường hợp Công ty theo trình bày khi chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, ngoài khoản tiền trợ cấp thôi việc phải trả cho người lao động theo quy định của Bộ Luật Lao động (được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công), Công ty còn chi trả cho người lao động các khoản tiền trợ cấp phát sinh trong tháng cuối cùng trước khi nghỉ, ngày phép còn lại, các khoản tiền thưởng theo thỏa thuận giữa Công ty và người lao động thì các khoản tiền này thuộc thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công.

- Nếu Công ty chi trả cùng với tiền lương tháng cuối cùng của người lao động làm việc thì Công ty có nghĩa vụ khấu trừ thuế TNCN theo biểu thuế lũy tiến từng phần trên tổng thu nhập tính thuế. Nếu Công ty chi trả sau khi cá nhân đã chấm dứt hợp đồng lao động, không còn làm việc tại Công ty thì khi chi trả cho cá nhân Công ty tính khấu trừ thuế 10% trên tổng mức chi trả từ 2 triệu đồng trở lên.

Căn cứ các quy định trên, trường hợp Ngân hàng và người lao động thoả thuận chấm dứt hợp đồng lao động (từ 03 tháng trở lên), Ngân hàng thực hiện trả lương và các khoản hỗ trợ, trợ cấp cho người lao động thì:

       + Các khoản tiền trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thất nghiệp và các khoản trợ cấp khác theo quy định của Bộ luật lao động và Luật bảo hiểm xã hội thuộc đối tượng không chịu thuế TNCN.

      + Các khoản tiền lương, tiền công, tiền phụ cấp, trợ cấp chịu thuế TNCN, Ngân hàng thực hiện khấu trừ theo biểu lũy tiến từng phần và cấp chứng từ khấu trừ thuế theo yêu cầu của người lao động.

Các nội dung trong Thư xác nhận thu nhập, Ngân hàng tự thỏa thuận với người lao động đảm bảo phù hợp với các quy định liên quan.

Qùa trúng thưởng tết tất niên cho nhân viên:

- Trường hợp Công ty tổ chức chương trình rút thăm may mắn để tặng quà cho nhân viên trong tiệc tất niên thì giá trị trúng thưởng phải cộng vào tiền lương để tính thuế TNCN theo biểu lũy tiến.

Quy định về tiền Trợ cấp thôi việc:

1. Khi hợp động lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1,2,3,4,6,7,9 và 10 điều 34 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương, trừ trường hợp đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều 36 của Bộ luật này.

2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.

3. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi người lao động thôi việc.

Quy định về trợ cấp mất việc làm:

1. Người sử dụng lao động trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên mà bị mất việc làm theo quy định tại khoản 11 điều 34 của Bộ luật này, cứ mỗi năm làm việc trả 01 tháng tiền lương nhưng ít nhất bằng 02 tháng tiền lương.

2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao dộng đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.

3. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi người lao động mất việc làm.

B. Cách tính thuế TNCN các loại hợp đồng khác như: Hợp đồng lao động dưới 3 tháng, thời vụ, giao khoán, thử việc, cộng tác viên, hợp đồng dịch vụ cá nhân …:

- Các tổ chức, cá nhân trả tiền công, tiền thù lao, tiền chi khác cho cá nhân cư trú không ký hợp đồng lao động hoặc ký hợp đồng lao động dưới ba (03) tháng có tổng mức trả thu nhập từ hai triệu (2.000.000) đồng/lần trở lên thì phải khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập trước khi trả cho cá nhân.

Ví dụ: Công ty Kế toán Hà Thành ký hợp đồng cộng tác viên với 1 nhân viên A thời gian là 2 tháng, mỗi tháng trả thu nhập 3.000.000 và phụ cấp tiền ăn là 300.000 đồng.

(Vì theo quy định trên: Không ký hợp đồng lao động hoặc ký hợp đồng dưới 3 tháng -> Thì sẽ tính thuế TNCN theo biểu toàn phần -> Nghĩa là: Thu nhập tính thuế là toàn bộ thu nhập nhận được (không giảm trừ), nên tiền ăn ca không được miễn giảm thuế TNCN nhé).

Cách tính thuế TNCN lao động thời vụ như sau:

Thuế TNCN phải nộp = (3.000.000đ + 300.000đ) x 10% = 330.000 đồng

- Khi khấu trừ thuế TNCN của họ: Cá nhân có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân trả thu nhập cấp chứng từ khấu trừ cho mỗi lần khấu trừ thuế hoặc cấp một chứng từ khấu trừ cho nhiều lần khấu trừ thuế trong một kỳ tính thuế.

- Nếu cá nhân chỉ có duy nhất thu nhập thuộc đối tượng phải khấu trừ thuế theo tỷ lệ nêu trên nhưng ước tính tổng mức thu nhập chịu thuế của cá nhân sau khi trừ gia cảnh chưa đến mức phải nộp thuế thì cá nhân có thu nhập làm cam kết (theo mẫu 08/CK-TNCN theo Thông tư 80) gửi tổ chức trả thu nhập để tổ chức trả thu nhập làm căn cứ tạm thời chưa khấu trừ thuế TNCN.

-> Căn cứ vào cam kết của người nhận thu nhập tổ chức trả thu nhập không khấu trừ thuế. Kết thúc năm tính thuế, tổ chức trả thu nhập vẫn phải tổng hợp danh sách và thu nhập của những cá nhân chưa đến mức khấu trừ thuế (vào mẫu ban hành kèm theo văn bản hướng dẫn về quản lý thuế) và nộp cho cơ quan. Cá nhân làm cam kết phải chịu trách nhiệm về bản cam kết của mình, trường hợp phát hiện có sự gian lận sẽ bị xử lý theo quy định của Luật quản lý thuế.

- Cá nhân làm cam kết 08/CK-TNCN phải đăng ký thuế và có mã số thuế tại thời điểm cam kết.

C. Cách tính thuế TNCN cho cá nhân không cư trú:

      Thuế TNCN phải nộp = Thu nhập chịu thuế x 20%

  • Thu nhập chịu thuế là Tổng số tiền lương, tiền công, tiền thù lao các khoản khác có tính chất tiền lương, tiền công.
Đánh giá:

 

                   

0/5 (0 bình chọn)

Ý kiến của bạn

 

Đang xử lý...